Địa lý Lang_Chánh

Vị trí địa lý

Huyện Lang Chánh nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, có vị trí địa lý:

Huyện có diện tích: 585,92 km² và dân số trung bình năm 2018 là 50.120 người, tỉ lệ sinh là 17,3 ‰; tỉ lệ chết 4,9 ‰; tỉ suất tăng tự nhiên là 12,4 ‰ trong đó tỉ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 là 1,32 ‰. Mật độ dấn số trung bình là 85 người/km². Lang Chánh có các dân tộc: Thái (53 %), Mường (33 %), Kinh (14 %) Người dân Lang Chánh có truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù lao động. Tuy nhiên trình độ văn hoá khoa học kỹ thuật còn thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (Từ sơ cấp trở lên) mới đạt 14% tổng số lao động.

Địa hình

Lang Chánh có địa hình đa dạng và phức tạp với độ cao tăng dần từ 400-500 ở phía đông lên tới 700–900 m ở phía tây. Đỉnh cao nhất là núi Bù Rinh cao 1.291 m (Nơi Lê Lợi bị bao vây và Lê Lai đã liều mình cứu chúa). Độ dốc trung bình từ 20-30°, có nơi tới 40–50°. Lang Chánh có hệ đất feralit với các loại sau: Đất fe ralit phát triển trên đá macma bazơ và trung tính, đất feralit phát triển trên đá macma chua, có mùn vàng đỏ trên núi, đất feralit phát triển trên đá trầm tích và biến chất. Ngoài ra còn có đất dốc tụ và đất lầy thụt, phân bố ở vùng thấp bị ngập nước. Nhờ thủy lợi hoá có thể trồng lúa.

Khí hậu

Khí hậu của Lang Chánh nhìn chung không quá nóng, mưa nhiều, lắm sương mù (bình quân mỗi năm có tới 70-80 ngày sương mù), mùa đông lạnh và tương đối khô, biên độ nhiệt tương đối lớn. Thiên tai cần đề phòng là rét đậm, lũ, sương muối, sương giá. Khí hậu có sự khác nhau giữa phía đông và phía tây. Phía đông có tổng nhiệt độ năm là 7.500-8.000 °C, lượng mưa trung bình năm là 2.200 mm (có nơi 2.500 mm); mùa mưa kéo dài 6- 7 tháng, bắt đầu từ giữa tháng tư và kết thúc vào cuối tháng mười. Hàng năm có 20–25 ngày có giá tây khô nóng.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên nước rất phòng phú với ba con sông lớn là: Sông Cảy, sông Sạo, sông Âm. Thác Ma Hao là thác lớn nhất của sông Cảy có tiềm năng phát triển thuỷ điện và du lịch sinh thái, rừng cây cung cấp nước ngọt và thực phẩm cho đồng bào các dân tộc, là con đường vận chuyển lâm sản về đồng bằng ngoài ra còn có nguồn nước ngầm phong phú.

Tài nguyên rừng Lang Chánh hiện nay có 11.632 ha rừng tự nhiên và 9.732 ha rừng trồng. Độ che phủ là 72%. Rừng Lang Chánh có nhiều loại gỗ quý như lim, lát hoa, pơ mu, dổi, vàng tâm, luồng, tre nứa và có nhiều dược liệu quý như quế, xa nhân, nấm hương, trầm hương,... cùng một số loại động vật quý hiếm: lợn rừng, khỉ v.v.

Về khoáng sản có mỏ đất sét dùng sản xuất gạch chịu lửa ở Làng En (xã Trí Nang); mỏ đồng ở xã Trí Nang; mỏ đá granit chất lượng cao, trữ lượng lớn ở rặng núi Bù Rinh. Bước đầu, các nhà khoa học xác định mỏ có diện tích khoảng 0,5 km², trữ lượng khoảng 660.000 m³. Đây là loại đá có độ bóng độ liên kết khá bền vững, có giá trị kinh tế cao. Nếu khai thác với sản lượng 100.000 m³ sản phẩm/năm, mỏ này có thể khai thác được trên 80 năm[cần dẫn nguồn].